Chuyển đến nội dung chính

[Gap the Series] Ấn tượng bước đầu

 

Gap the series, ví dụ cho việc sử dụng media và mạng xã hội làm nền tảng cho phim ảnh

Gap the series (từ đây viết tắt là GtS) không phải là một ví dụ tiêu biểu cho mối quan hệ cộng sinh bền chặt giữa phim truyền hình hiện đại và các công cụ truyền thông, chủ yếu nhất phải kể đến quyền lực và tầm ảnh hưởng của mạng xã hội (facebook, insta, tiktok, twitter). Nhưng bộ phim này trở thành thứ đáng bàn vì nó là sản phẩm hiếm hoi khai thác chủ đề đồng tính nữ thành công. Ít nhất có thể quan sát được điều này trên phương diện tạo topic thảo luận rộng rãi, tạo tiếng vang đáng kể trên mạng xã hội. Các sản phẩm đề cập đến tình yêu nữ - nữ thường chỉ là gia vị điểm xuyết trong phim truyền hình Thái Lan những năm gần đây, hoặc mập mờ tình chị em xã hội chủ nghĩa trong phim truyền hình Trung Quốc. (Mấy) năm trước, chủ đề này nổi lên một thời gian ngắn nhờ vào Mine - phim truyền hình Hàn Quốc trên Netflix với mối quan hệ nữ nữ chồng chéo giữa mợ cả vả những nhân vật khác. Bởi GL vốn yếu thế hơn rất nhiều so với văn hóa phẩm khai thác tình yêu nam nữ hay đồng tính nam (Boy love - BL, hay đam mỹ), nên sự nổi bật của GtS càng trở nên dễ quan sát. Phải nói rằng trên phương diện quảng bá, GtS đã khai thác tối đa tầm ảnh hưởng thông qua các kênh truyền thông nhằm tạo dựng một bệ đỡ vững chắc thay cho bản thân nội dung của truyện phim này.




Ban đầu, so với mặt bằng phim truyền hình Thái Lan những năm gần đây, GtS không thực sự nổi bật. Những poster giới thiệu đầu tiên đưa ra một sự giới thiệu khá kém sắc, nhạt nhòa của hai nữ chính cùng dàn nhân vật hỗ trợ. Nhưng với poster hồng phấn bên trên, có vẻ như đó là thời điểm mà phong cách thời trang, gout thẩm mỹ của sản phẩm này được định hình rõ ràng, có đường hướng minh bạch. Việc sử dụng những gam màu kẹo ngọt hoa thơm bướm lượn, trang sức hạt nhựa lóng lánh, sặc sỡ, cách trang điểm tạo cảm giác đường phèn, thốt nốt lịm tim, cách thiết kế nhân vật thông qua phong cách thời trang… mang lại một ấn tượng rõ rệt hơn hẳn. Với cá nhân tôi, giao diện ấy từ poster đến intro, ending rồi xuyên suốt phần hình ảnh của GtS là một sự tri ân quá khứ, một gợi nhắc sống động đến thời công chúa bong bóng, style kẹo mút, kẹp nhựa nhiều màu, long lanh lấp lánh từng được H2T miệt mài lăng-xê những năm 2000. Hoài niệm khó tả. Phải nói thêm phần kem nền hoặc bộ phận hậu kì của GtS đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao độ. Da mặt của các diễn viên đều được chăm chút, zoom kĩ nhằm thể hiện mức độ phẳng phiu, căng bóng không tì vết thường chỉ thấy trong các quảng cáo mỹ phẩm. Việc nắm bắt tâm tư này của khán giả cho thấy nhà làm phim rất hiểu xu hướng thị trường lẫn mối quan tâm về sắc đẹp của nữ giới hiện nay. Sự quan tâm sâu sát đến nhu cầu, đòi hỏi của công chúng đương nhiên không chỉ dừng ở răng, tóc, kem nền trên mặt diễn viên mà còn được nhà làm phim dụng tâm hơn nữa trong cả nội dung lẫn những hoạt động dày đặc bên lề tác phẩm.



Sau những poster nhá hàng, thứ ấn tượng còn hơn cả trailer là 1 đoạn cắt trong phim lan truyền khá nhanh trên mạng. Chính vì nội dung của đoạn cắt đó cùng sự rôm rả của quần chúng ăn dưa, hóng phim làm tôi chú ý đến GtS. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ đó là một đoạn trích mang đầy tiếng cười ấy, khi nữ chính 2 vào văn phòng của nữ chính 1. Hành động không có gì, nhưng từ điểm nhìn của các nhân viên khác, dường như hai người đang húp sò (quan hệ tình dục bằng miệng) ngay trong phòng làm việc. Hản là nhà sản xuất đã tưởng tượng về một tráng cười vô cùng sảng khoái, duyên dáng bật ra cùng sự phấn khách của khán giả được đẩy lên đỉnh điểm, khi có nhân vật phụ nhắc nữ chính 1 rằng có sợ lông xoăn xoăn dính ở mép cô nàng. Việc công khai sử dụng một truyện cười tình dục như vậy trong một phim Đông Nam Á cho thấy sự kế thừa văn hóa phương Tây nhưng với tâm thế mạnh dạn, táo bạo và cởi mở vô cùng. Tôi thực sự cảm động lẫn khâm phục tinh thần của đạo diễn cùng ekip sản xuất. Họ dám đương đầu và luôn thể hiện nỗ lực hăng say tìm kiếm những cách thức mới mẻ hơn nhằm kích thích, khêu gợi lẫn thỏa mãn nhu cầu của khán giả.

GtS đã chọn cách thức bán chính mình, nói cách khác là phương thức phát sóng cực kì phù hợp, tân tiến nhằm tối đa khả năng tiếp cận khán giả. Bằng cách phát trên đài truyền hình Thái Lan (nếu tôi không hiểu lầm thông tin mà mình tìm được) và tung 1 bản phim lên kênh youtube, chuẩn bị sẵn phụ đề với nhiều ngôn ngữ, công ty chủ quản không chỉ thể hiện mình là một nhà cung cấp dịch vụ cực kì có tâm, chu đáo mà còn truyền đi thông điệp về tính năng động, đi trước đón đầu, sẵn sàng đầu tư tỉ mỉ để phục vụ lượng khách hàng lớn nhất có thể. Tham vọng, tầm nhìn đó của quý công ty đã dẫn đến sự trang bị đến tận răng khó lòng chê trách. GtS là món hàng dọn ra mời các chị em xơi theo cách dễ dàng nhất, thân thiện nhất. Khán giả không cần nghe hơi nồi chõ, đợi rình raw rồi sub lén lén lút lút nhằm thỏa mãn niềm yêu phim ảnh lẫn sự nhân văn, nhân đạo của bản thân khi ủng hộ một tác phẩm khai thác tiềm năng của một nhóm yếm thế trong xã hội.

Trong thời buổi phát triển chóng mặt của thời đại, GtS tồn tại như một sự hoài niệm, tri ân quá khứ một cách tỉ mỉ, bài bản, thậm chí là sâu sắc. Đây là ấn tượng mạnh mẽ nhất xuyên suốt sản phẩm nghe nhìn này, mà phải tốn nhiều bài viết nữa nữa mới có thể trình bày được đầy đủ, trọn vẹn. Có như vậy mới xứng tầm một bộ phim được đóng gói rồi chào hàng quá sức chu đáo, nhiệt tình. Ở đây, nói hoài niệm bởi sự phát triển lẫn chính sách của youtube làm người ta dường như quên phứt mất youtue không còn o ép thời lượng 1 video đăng tải lên.Quá khứ một video chỉ được phép kéo dài trong bao nhiêu phút giờ đã xưa rồi Diễm ơi. Vậy nhưng, GtS đã chọn cách cắt nhỏ 1 tập phim thành rất nhiều phần, gợi lại sống động cái thời xem phim, xem concert… phải rình part 1, part 2… Việc chia nhỏ ấy không phải vì hạn chế trong công nghệ, hẳn vậy. Nó là một lựa chọn có hơi hướm retro chăng? Hay đó là sự quan tâm đến khách hàng, để họ không phải bận lòng sợ xem 1 tập phim dài quá mãi không hết, chẳng may bận việc này việc kia phải ngưng giữa chừng thì sao? Tâm lý như vậy mang lại cái lợi cho chính kênh youtube khi tăng được lượng tương tác rõ rệt, nhất là với các tài khoản nằng ngoài Thái Lan. Và điều tài tình là, kết cấu của bộ phim lẫn từng tập phim không hề bị ảnh hưởng bởi lối cắt xẻ một tập phim như vậy.

Điều ấn tượng tiếp theo chính là hai diễn viên chính. Thú thực, ngoại hình của hai diễn viên không hút mắt tôi lắm, không phải gout của tôi. Nhưng bù lại, sự chăm chỉ, miệt mài lăn xả trên mạng xã hội, tham gia rất nhiều các hoạt động bên lề, từ việc cùng xem một tập phim rồi quay video reaction từng tập up lên kênh youtube, tham gia fan meeting, họp báo, phỏng vấn… làm tôi cảm động. Hiếm lắm những nỗi niềm tha thiết chẳng màng khó nhọc, tình yêu phập phồng với khán giả, sản phẩm mình tạo ra, tình yêu với nhân vật, với bạn diễn, với đoàn làm phim. Sự thấu hiểu và ý thức trách nhiệm cao khi luôn muốn thỏa mãn cơn khát tin lẫn sự yêu mến của khán giả làm hai cô gái trẻ ấy không bỏ qua bất kì một cơ hội nào để xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Họ không ngại đây là camera của nhà sản xuất, công ty, đơn vị truyền thông báo chí, điện thoại của mình hay ống kính của fan. Bất kì địa điểm nào, thời gian nào, hoàn cảnh nào họ cũng nhập tâm vào vai diễn của mình. Sự chú tâm có bảo hành kể cả khi phim đóng máy xong xuôi đó, sự chỉn chu trong từng hành động nhằm tạo ấn tượng tốt, tạo chủ đề cho phim mình tham gia là điều hiếm với diễn viên trẻ bây giờ. Ôi cái thời đại ai cũng muốn mình bạo hồng nhưng mấy ai nghiêm túc, cần cù 24/24, 7/7 được như vậy.

Tình cảm nồng nhiệt đó cùng những câu chuyện hậu trường, lời đồn đại trong fandom làm ra thứ còn đặc sắc hơn cả những phỏng đoán phim giả tình thật. Tôi ấn tượng với GtS bởi nó dường như không phải chỉ là một bộ phim. Đó là một câu chuyện hình ảnh được nối dài đến đời thực mà phần đời thực còn dài hơn, chi tiết hơn cả phần người ta được thấy trên màn ảnh. Quả nhiên là một tác phẩm đồ sộ và vĩ mô, một công trình được quy hoạch với tầm nhìn mà lịch sử điện ảnh chưa từng thấy.



Bởi phim ảnh giờ đây đang được những người làm phim như đoàn GtS định nghĩa lại. Sự giới hạn của màn ảnh, của thời lượng phim phải đóng máy, cắt dán, xào xáo, đóng gói và trưng bày để bán mình trên màn ảnh đã thành cạn hẹp, lỗi thời. Người ta cần nhiều điều khác hơn, cần một không gian rộng hơn để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh, sống động, lớp lang. Có lẽ đây sẽ là 1 kỹ thuật làm phim mới, vượt trội hơn kỹ thuật làm phim 3D như trong Avatar chẳng hạn. Avatar chỉ khai thác được hình ảnh thông qua công nghệ đột phá mà thôi. Còn GtS đã tạo ra cả một hệ sinh thái truyền thông nâng đỡ và làm biến đổi chính tác phẩm ban đầu. Một hạt giống nhỏ xíu gieo xuống đã làm đâm chồi nảy lộc rất nhiều những dây dưa phi điện ảnh, phi nghệ thuật, tạo ra một mạng lưới chồng chéo làm bộ mặt một câu chuyện kể bằng ngôn ngữ truyền hình mang một dáng vóc lạ lẫm và thời thượng biết bao.


Nguồn ảnh: https://madan.fun/freenbecky-interview-article/